BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG đh Sư phẠm KỸ thuẬt
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Số: /ĐA-ĐHSPKT
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 8 năm 2014
|
ĐỀ ÁN
THÀNH LẬP PHÒNG QUAN HỆ CÔNG CHÚNG VÀ DOANH NGHIỆP
- CĂN CỨ PHÁP LÝ:
Quyết định số 426/TTg ngày 27/10/1976 và Quyết định số 118/2000/QĐ-TTg ngày 10/10/2000 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh;
Quyết định số 68/2008/QĐ – BGDĐT ngày 09/12/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp;
Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 ngày 18/6/2012 của Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3;
Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học;
Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Điều lệ trường đại học”;
- CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ NHÂN SỰ:
- Tên gọi: Phòng QUAN HỆ CÔNG CHÚNG VÀ DOANH NGHIỆP
Tên tiếng Anh: Public Relations and Enterprises Office (PR&EsO)
- Cơ cấu tổ chức: do Hiệu trưởng quyết định, bao gồm các bộ phận chuyên môn:
- Bộ phận quan hệ công chúng: Xây dựng các kế hoạch và triển khai các hoạt động quan hệ công chúng;
- Bộ phận quan hệ doanh nghiệp: Thiết lập, duy trì, theo dõi và phối hợp tổ chức thực hiện các văn bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác giữa trường với các doanh nghiệp trên các lĩnh vực được phân công.
- Nhân sự: Gồm 05 biên chế chính thức, dự kiến sắp xếp như sau:
- Trưởng Phòng, phó trưởng phòng.
- Chuyên viên: 03 người
- Cộng tác viên tùy theo khối lượng và thời điểm công việc.
- CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ:
- Chức năng: Tham mưu và giúp Hiệu trưởng các hoạt động sau đây:
- Xây dựng các kế hoạch và triển khai các hoạt động quan hệ công chúng như: quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Trường, thiết lập mối quan hệ với các đối tác, … để tạo dựng và khuếch trương hình ảnh tích cực của nhà trường đối với xã hội;
- Triển khai các hoạt động gắn kết nhà trường với các doanh nghiệp và các cơ quan tư vấn, quản lý chuyên ngành liên quan nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng học tập của sinh viên; nâng cao khả năng thích ứng và đáp ứng nhu cầu xã hội; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp.
- Theo dõi, thống kê, dự báo về xu hướng thị trường lao động, sử dụng lao động của các doanh nghiệp thuộc phạm vi các ngành nghề đào tạo của trường nhằm đề xuất điều chỉnh hoạt động đào tạo của nhà trường phù hợp.
- Tìm kiếm, huy động, tiếp nhận tài trợ các nguồn lực (nhân lực, thiết bị, tài chính) của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội nhằm hỗ trợ học bổng và nhu cầu học tập của sinh viên.
- Là cầu nối giữa nhà trường và các doanh nghiệp, tiếp nhận và xử lý các thông tin từ doanh nghiệp để tham mưu với BGH nhằm phục vụ, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu xã hội, lợi ích nhà trường và sinh viên.
- Nhiệm vụ:
2.1. Bộ phận quan hệ công chúng
- Xây dựng mục tiêu và kế hoạch tuyên truyền, phát triển thương hiệu và hình ảnh của Trường.
- Xây dựng quan hệ với các kênh phương tiện thông tin đại chúng nhằm đưa tin, hình ảnh về hoạt động của nhà trường khi cần thiết.
- Thu thập thông tin phản hồi và đánh giá hiệu quả các hoạt động, chương trình đã tổ chức.
- Đề xuất thay đổi, cải tiến các hoạt động giới thiệu và giữ gìn hình ảnh, thương hiệu Trường.
- Tư vấn các đơn vị trong trường xây dựng các khả năng nhận diện thương hiệu.
- Đề xuất và tổ chức các sự kiện: hội nghị, hội thảo, bài nói chuyện và các phương tiện truyền thông khác để thúc đẩy, xây dựng thương hiệu, hình ảnh Trường.
2.2. Bộ phận quan hệ doanh nghiệp:
- Tìm kiếm, thiết lập mối quan hệ toàn diện giữa nhà trường với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước nhằm hợp tác và hỗ trợ trong đào tạo, nghiên cứu khoa học cho sinh viên.
- Tổ chức thực hiện công tác tư vấn việc làm; giới thiệu và làm cầu nối cung ứng việc làm cho sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp cho các đơn vị có nhu cầu.
- Tìm kiếm, xây dựng các mối quan hệ bền vững với các doanh nghiệp tiềm năng nhằm tổ chức các địa bàn tham quan, thực tập ổn định cho sinh viên, giảng viên.
- Tổ chức câu lạc bộ hướng nghiệp, hoạt động ngoại khóa, giao lưu với đơn vị sử dụng lao động giúp người học bổ sung kiến thức thực tế.
- Tổ chức, tham gia các chương trình giao lưu, hội thảo, hội nghị, ngày hội việc làm hàng năm.
- Thiết lập, xây dựng cơ sở dữ liệu về việc làm, thông tin hai chiều giữa trường với các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động, cơ sở dữ liệu về sinh viên tốt nghiệp theo ngành nghề hàng năm để tư vấn và giới thiệu phù hợp với các đơn vị, cá nhân có nhu cầu sử dụng lao động.
- Chịu trách nhiệm chính trong công tác phối hợp với ban liên lạc Cựu sinh viên tổ chức các hoạt động của Cựu sinh viên trường.
- Tổ chức vận động các nguồn tài trợ quỹ học bổng ĐHSP Kỹ thuật, tiếp nhận các nguồn tài trợ học bổng, trợ cấp khó khăn từ các doanh nghiệp.
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn không hoặc có thu phí theo nhu cầu nhằm trang bị cho người học những kỹ năng cần thiết trước khi ra trường.
- Thực hiện công tác thống kê, báo cáo theo yêu cầu của trường.
- Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và các phương tiện, trang thiết bị được giao.
- Phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện các công tác phát sinh trong quá trình hoạt động của trường.
- Thực hiện các công việc khác theo yêu cầu của Hiệu trưởng
- CƠ SỞ VẬT CHẤT, KINH PHÍ
- Cơ sở vật chất
Phòng làm việc và các trang thiết bị văn phòng cần thiết cấp cho 5 người theo quy định của nhà trường.
- Kinh phí hoạt động: Được trích từ các nguồn theo quy định:
2.1 Nguồn chi thường xuyên của nhà trường;
2.2 Các khoản tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật;
2.3 Các nguồn thu hợp pháp khác;
(Theo Quyết định số 68/2008/QĐ–BGDĐT ngày 09/12/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp).
NGƯỜI SOẠN DỰ THẢO
HỒ THỊ ÁNH TUYẾT